Nhượng quyền thương mại -“miền đất hứa” cho nhà đầu tư ngoại
Trong bối cảnh khủng hoảng, các nhà đầu tư ngoại có xu hướng tìm kiếm
một kênh kinh doanh “an toàn” hơn bằng nhượng quyền thương mại. Nhưng
đây có phải là “miền đất hứa” hay không thì còn tùy vào sự am hiểu luật
pháp của nhà đầu tư.
Theo
Luật thương mại 2005, quyền thương mại bao gồm quyền sở hữu trí tuệ và
các trợ giúp kỹ thuật có liên quan. Do đó, hợp đồng nhượng quyền bao gồm
cả quyền sở hữu trí tuệ, ít nhất là chung nhãn hiệu, chung tên thương
mại, chung cách trình bày, chung bí mật kinh doanh. Đây là thông tin
pháp lý quan trọng nhất trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Bên nhượng quyền có trách nhiệm cung cấp thông tin về hệ thống nhượng
quyền thương mại của mình cho bên dự kiến nhận nhượng quyền ít nhất 15
ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng. Thông tin được cung cấp phải có
các nội dung bắt buộc theo quy định pháp luật Việt Nam.
Sau khi ký hợp đồng, các thông tin nêu trên trở thành bộ phận không thể
tách rời của hợp đồng nhượng quyền thương mại. Do đó, bên nhượng quyền
có trách nhiệm cung cấp thông tin cho tất cả các bên nhận quyền về mọi
thay đổi quan trọng trong hệ thống nhượng quyền thương mại muộn nhất 60
ngày sau khi có thay đổi hoặc sau khi biết được thay đổi đó. Nếu bên
nhận quyền không đồng ý với các thay đổi đó thì có quyền đơn phương chấm
dứt hợp đồng chỉ cần thông báo trước cho bên nhượng quyền tối thiểu 30
ngày.
Đối với các hợp đồng nhượng quyền lại cho bên thứ ba, bên nhượng quyền
lại cho bên thứ ba cũng phải cung cấp thông tin bằng văn bản về bên
nhượng quyền ban đầu; nội dung chủ yếu của hợp đồng nhượng quyền thương
mại chung; thông tin về quan hệ giữa bên nhượng quyền ban đầu và bên
nhượng quyền lại cho bên thứ ba; cách xử lý các hợp đồng nhượng quyền
lại cho người thứ ba trong trường hợp chấm dứt hợp đồng nhượng quyền
thương mại chung.
Tài liệu thông tin mà bên nhượng quyền cung cấp cho bên nhận quyền sẽ
giúp bên nhận quyền có cái nhìn tổng quan về hoạt động của công ty. Cần
lưu ý là nếu có sự lừa dối hay nhầm lẫn nào trong việc cung cấp thông
tin dẫn đến việc các bên giao kết hợp đồng, thì đây có thể là bằng chứng
để yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn hoặc
bị lừa dối.
Bên nhượng quyền không được thông tin một chiều, đưa ra những thông tin
tốt, còn những thông tin không tốt thì giấu bên nhận quyền. Việc che
dấu thông tin có thể bị coi là hành động lừa dối để yêu cầu tòa án tuyên
giao dịch dân sự vô hiệu. Hoặc việc che giấu, thông tin sai có thể là
hành vi vi phạm điều khoản “cam đoan và bảo đảm” trong hợp đồng nhượng
quyền.
Nếu hợp đồng nhượng quyền bị tuyên bố vô hiệu, thì nhượng quyền thương
mại khó mà trở thành “miền đất hứa” cho doanh nghiệp ngoại; Trong khi
đó, lợi ích về thương hiệu, phương pháp marketing, hệ thống đào tạo và
hỗ trợ,… mà doanh nghiệp nhượng quyền/ nhận quyền đã bỏ ra khó mà cân
đong đo đếm được.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét